Không chỉ làm giới trẻ mắc nghiện, ma lực của “thế giới ảo” còn hấp dẫn cả những ông lão tuổi 60. Ôm máy tính ngày đêm tập luyện, khi đạt đến đỉnh công phu thì cũng là lúc ông Quang (Bắc Ninh) phải nhập viện do “rối loạn tâm thần”.
Gia đình ông Quang thuộc diện khá giả, con cái đều thành đạt, lại là người ưa hoạt động nên khi nghỉ hưu ông cảm thấy buồn vì quá rảnh rỗi. Giúp bố giải khuây, các con mua tặng ông chiếc máy nối mạng để đọc báo cho đỡ buồn. Thời gian đầu, ông dùng internet rất đúng mục đích nhưng chỉ sau vài tháng ông đã mê mẩn thú “hành tẩu giang hồ” trong thế giới game.
Suốt mấy tháng liền ông giam mình trong phòng, ngay cả khi ăn, ngủ ông cũng ôm khư khư máy tính. Ông còn mua các loại kiếm về treo khắp phòng, vừa uống rượu vừa múa kiếm. Thấy bố có nhiều biểu hiện bất thường, con cái vào khuyên can thì vừa mở cửa phòng đã bị ông vung kiếm chém đuổi.
Cuối cùng, gia đình phải họp lại cưỡng chế ông đưa về viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. Khi vào viện, sức khỏe của ông Quang suy kiệt nghiêm trọng (người gầy gò như bộ xương di động, mặt mũi hốc hác, mắt đờ đẫn, da tái, ngơ ngác không biết mình là ai, miệng luôn la hét những câu trong các bộ phim kiếm hiệp, kèm theo đập phá).
Không nghiện thể loại kiếm hiệp giống “bậc tiền bối” Quang, Nguyễn Văn Thành (19 tuổi, Vĩnh Phúc) lại mê game sex. Thay vì rành thời gian ôn thi đại học, chàng công tử con nhà giàu này lại lao vào game sex. Mỗi ngày Thành nướng vào các trò độc hại này cả trăm ngàn đồng. Do bận rộn, không có nhiều thời gian quan tâm, quản lý con nên bố mẹ Thành chỉ phát hiện khi thấy con có biểu hiện lạ: miệng lảm nhảm, thân hình chỉ còn da bọc xương, da dẻ nhợt nhạt, mắt đờ đẫn, nghiêm trọng hơn Thành đã nghiện trò “tự thủ dâm”.
Là người trực tiếp điều trị cho các trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Điều trị nam & nghiện chất, viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, cho biết: “Mỗi ngày bệnh nhân này tự hành hạ bộ phân sinh dục 4-5 lần. Khi vào viện, vùng kín của bệnh nhân sưng tấy, chảy mủ do viêm nhiễm. Cậu ta còn rất phấn khích khi thủ dâm trước mặt người khác. Đây là chứng loạn dục”.
Cũng theo phân tích của bác sĩ Dũng, người nghiện game thường ở trong phòng kín quá lâu, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến một số tiết tố bị giảm, gây hiện tượng trầm cảm. Đồng thời, việc thần kinh làm việc liên tục không nghỉ với cường độ cao gây cảm giác hưng phấn dẫn đến người bệnh không kiểm soát được hành vi của mình. Hướng điều trị cho bệnh nhân là kết hợp giữa việc dùng thuốc và giải pháp tâm lý trong thời gian 3 tháng. Đến nay, hai bệnh nhân này đã hồi phục và xuất viện.
Trung bình mỗi ngày viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia tiếp nhận 2-3 trường hợp nghiện game vào điều trị. Riêng mùa hè năm nay, có ngày viện tiếp nhận 5 trường hợp, bác sĩ Dũng cho hay.
Trao đổi với Dân Trí PGS.TS Trần Hữu Bình - Viện Trưởng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cảnh báo: “Khoảng cách giữa việc chơi game để giải trí và nghiện game là rất gần. Bởi, trò chơi này có tính kích thích rất mạnh (thi đấu có tính cạnh tranh và quan trọng là có thưởng). Nguy hiểm ở chỗ nó cuốn người chơi ngày một sâu. Mới đầu, con bệnh chỉ xác định chơi để giải trí nhưng đến khi xung trận thì không dừng lại được. Thêm một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện là do thời gian chơi quá nhiều. Nếu chơi có chừng mực thì game cũng là một kênh giải trí. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi người chơi phải có bản lĩnh.
Các cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp quản lý nghiêm việc trẻ sử dụng mạng, nhất là cha mẹ cần quan tâm con cái nhiều hơn nữa. Khi thấy con có những biểu hiện như: thời gian sinh hoạt bất thường, thiếu tập trung vào học tập - công việc, rối loạn giấc ngủ (hay gặp ác mộng). Tính nết thay đổi, dễ cáu giận, khó tính… cần đưa con đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị sớm. Việc điều trị sớm giúp bệnh nhân dễ hòa nhập cộng đồng”.
Thu Hà
0 comments:
Post a Comment